Tin thị trường hàng hải
Chính sách khuyến khích phá dỡ và đóng mới của Trung Quốc khiến các nhà tái chế Nam Á không có đủ tàu phá dỡ
Ngày đăng: 12/09/2024 | Lượt xem: 613
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện một chương trình hỗ trợ mới với các chủ tàu có tàu cũ mang cờ Trung Quốc tái chế tại Trung Quốc và thay thế bằng tàu đóng mới. Các xưởng tái chế ở Nam Á cảm thấy lo lắng về việc này.
Chính sách tái chế mới này nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đội tàu thương mại của Trung Quốc.
Ngược lại với chương trình trước đó đã kết thúc cách đây vài năm, chính sách mới này thiên về khuyến khích các chủ tàu chọn lựa tàu tiết kiệm nhiên liệu.
Các chủ tàu Trung Quốc sẽ nhận được hỗ trợ 700 NDT (98 USD) cho mỗi tấn dung tích tàu (GT) được phá dỡ, có thể sử dụng làm chi phí đặt đóng tàu mới tại một xưởng đóng tàu tại Trung Quốc.
Thêm nữa, nếu chủ tàu đặt hàng một tàu tiết kiệm nhiêu liệu do Trung Quốc thiết kế, họ chắc chắn nhận được một sự hỗ trợ khác 600 NDT/GT của tàu được tái chế.
Chính sách này chỉ được áp dụng cho các tàu có tuổi đời từ 20 năm trở lên.
Những người được hưởng lợi từ chương trình này là các xưởng tái chế tàu của Trung Quốc, những người bị ngăn cản mua các tàu không treo cờ Trung Quốc từ năm 2018 do chính phủ hạn chế nhập khẩu rác thải, và chỉ có thể đưa ra mức giá thấp hơn đáng kể so với các xưởng tái chế trên Tiểu lục địa Ấn độ.
Theo nguồn tin thị trường cho biết, giá phá dỡ tàu của Trung Quốc hiện tại ở mức 250 USD/LDT (light displacement tonnage-trong lượng tàu không), trong khi tại Tiểu lục địa Ấn Độ gồm Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan có giá khoảng 500 USD/LDT.
Sự chênh lệch này dẫn đến phần lớn các tàu thuộc sở hữu của Trung Quốc, bao gồm các tàu nhỏ ven biển đều được bán tái chế sang Bangladesh.
Các nhà môi giới chuyên về bán tái chế cho biết với chương trình trợ cấp mới này, các chủ tàu Trung Quốc hiện đang đạt được thỏa thuận tốt hơn bằng việc tái chế tàu trong nước và tận dụng khoản trợ cấp.
Mặt khác, các xưởng tái chế tàu tại Tiểu lục địa, đặc biệt là những công ty ở Bangladesh vốn phụ thuộc vào các tàu cỡ nhỏ và trung bình của Trung Quốc có thể mua bằng tiền mặt do những hạn chế về thư tín dụng, đang chứng kiến nguồn cung bị cạn kiệt.
Ông Rohit Goyanka, Giám đốc của Star Asia Shipbroking có trụ sở tại Singapore cho biết: “Niềm hy vọng mong manh rằng các chủ tàu Trung Quốc có thể bán các con tàu hết hạn sử dụng từ Trung Quốc sang Tiểu lục địa đã phai nhạt dần sau chính sách hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc. Các con tàu ban đầu được định hướng đến Tiểu lục địa đang bị rút khỏi thị trường do chủ sở hữu lựa chọn loại bỏ chúng tại địa phương.”
Ông cho biết thêm: “Hiện tại, những con tàu duy nhất giúp thị trường Bangladesh bận rộn là những tàu nhỏ dưới 20 tuổi không thuộc chính sách năm 2024 và không đủ điều kiện nhận trợ cấp.”
Điều trớ trêu là những tàu của Trung Quốc đóng từ năm 2004 trở về trước đang được chào bán với mức giá thấp hơn đáng kể, chỉ từ 50 đến 60 USD/Ldt do chất lượng thép kém và vấn đề giảm trọng lượng.”
Ông Goyanka cho biết tình hình các xưởng tái chế trên khắp Nam Á đã xấu đi do tình trạng thiếu tàu cùng với việc các công ty này không thể tăng giá để thu hút tái chế.
“Hầu hết đều có lập trường thận trọng mặc dù có tình trạng thiếu hụt tàu để bán-một tình huống hiếm hoi mà giá thị trường giảm ngay cả khi nguồn cung giảm”
Không có doanh số bán phá dỡ mới nào được các nhà môi giới và người mua tiền mặt báo cáo trong tuần qua.
Lược dịch: MKT
Chỉ số Thị trường
Tin nổi bật