Tin thị trường hàng hải
Tin vắn Tuần: 20 - 2022
Ngày đăng: 20/05/2022 | Lượt xem: 1307
Thị trường thuê tàu: giai đoạn cao điểm đã qua
Theo Alphaliner, thị trường thuê tàu đã trải qua giai đoạn cao điểm, chỉ sổ Charter Index đã rơi xuống còn 515 điểm trong tháng 5, từ đỉnh lịch sử 563 điểm trong tháng 3. Chỉ số này đã giảm xuống 554 điểm hồi tháng 4 và được cho là mang tính tạm thời nhưng đã trở nên tệ hơn vào hai tuần đầu tháng 5.
Chủ yếu giá cước các hợp đồng cho thuê tàu giảm ở những cỡ tàu nhỏ (1.000-1.300 TEU), đối với các tàu cỡ lớn hơn thì chưa có bất kì thống kê nào về việc giảm cước. Tuy vậy, việc giảm giá cước thuê tàu đang dần ảnh hưởng đến các tàu cỡ lớn hơn từ 1.700-2.500 TEU và có thể còn lan rộng hơn nữa.
Vẫn còn phải chờ xem liệu vào mùa hàng hóa cao điểm bắt đầu từ tháng 8 có kích thích nhu cầu về trọng tải và đẩy giá thuê tàu tăng trở lại hay không, nhưng cho tới hiện tại thì xu hướng vẫn là giảm.
Alphaliner tin rằng việc tiếp tục thiếu tàu, đặc biệt là trọng tải tức thời và sự gián đoạn liên tục trong chuỗi cung ứng, cộng thêm chính sách đóng cửa từ Trung Quốc và tắc nghẽn cảng leo thang trên diện rộng, sẽ khiến cho giá cước thuê tàu vẫn còn cao trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, sự bất ổn kinh tế và địa chính trị tiếp tục gây ra bầu không khí u ám lên triển vọng dài hạn và đe dọa đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa tương lai. Lạm phát tăng cao ở hầu hết các nước trên thế giới đang gây cản trở cho việc chi tiêu rộng rãi của người dân, đặc biệt là đối với các mặt hàng không phải là thiết yếu – nhưng lại là những loại hàng chiếm tỉ trọng lớn được vận chuyển trên tàu container như đồ gỗ, đồ chơi, thời trang...
Sản lượng hàng hóa giảm cũng đã gây tác động đến việc giảm giá cước vận chuyển, chỉ số SCFI hiện đang ở tuần thứ 18 giảm liên tiếp.
Trong khi đó, tác động trực tiếp của chiến tranh Ukraine đang khiến cho nền kinh tế thế giới bị đóng băng, cộng thêm giá nhiên liệu cao ngút trời cùng các mối đe dọa về nguồn cung ngũ cốc.
Trước những bất ổn này, các hãng vận tải đang áp dụng thái độ thận trọng hơn trong việc kiểm soát tải trọng. Nhiều hãng trong số đó đã quyết định tạm thời hoãn các yêu cầu thuê tàu hoặc cố định thuê 12 tháng, thỉnh thoảng là 24 tháng so với thời hạn thuê từ 36 đến 48 thậm chí 60 tháng trong thỏa thuận thuê tàu thông thường hồi tháng 4.
Tắc nghẽn cảng tại khu vực Bắc Âu tiếp tục leo thang.
Mật độ neo đậu tàu rất cao tại các bến cảng khu vực Bắc Âu và tình trạng tắc cổ chai đối với vận tải nội địa đang làm trầm trọng thêm vấn đề tắc nghẽn cảng trên các tuyến thương mại giữa khu vực viễn Đông với Bắc Âu.
Các tàu vận chuyển container hiện nay mất trung bình 101 ngày để hoàn thành một vòng vận chuyển. Điều này có nghĩa là họ đến Trung Quốc trễ trung bình 20 ngày cho chuyến đi khứ hồi tiếp theo của họ, buộc các hãng vận tải phải hủy một số chuyến vì không có tàu.
Theo báo cáo từ Alphaliner, những sự chậm trễ này đang ngày một tăng trong những tháng gần đây, trung bình khoảng 17 ngày trong tháng 11 năm ngoái và tháng 2 vừa rồi cũng là 17 ngày.
Thời gian cần để xếp dỡ tại 3 cảng container lớn nhất Châu Âu là 36 ngày kể từ khi đến Rotterdam và khởi hành về Châu Á từ Hamburg. Những sự chậm trễ này làm cho tàu không thể bắt kịp các lịch tàu chạy về hướng đông kể cả khi tàu chạy ở vận tốc tối đa.
Hãng tàu Evergreen đạt thứ hạng tăng trưởng cao nhất Quý I năm nay.
Các hãng tàu Đài Loan Evergreen, Yang Ming và Wan Hai đạt tổng lợi nhuận là 238,7 tỷ Đài tệ -TWD (8,01 tỷ USD) trong quý I sau khi doanh thu tăng 9% so với quý trước.
Evergreen là hãng hoạt động tốt nhất, báo cáo tỷ suất lợi nhuận hoạt động cao nhất trong cả 3 hãng, trùng với việc gần đây hãng đã tăng lên vị trí số 6 trong bảng xếp hạng các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu về trọng tải. Lợi nhuận khai thác (EBIT) đã nhảy vọt 23% so với quý trước lên 117,2 tỷ TWD (3,9 tỷ USD), với tỷ suất lợi nhuận đạt đến 68,8%
Trong khi đó, doanh thu của hãng vận chuyển lớn thứ 6 thế giới này đạt 170,8 tỷ TWD, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, và hơn 9% so với quý trước.
Hãng tàu đến từ Đài Loan, có tỷ lệ kinh doanh theo hợp đồng nhỏ hơn một số đối tác châu Âu của họ, tuy nhiên lại được hưởng lợi từ giá cước vận tải cao hơn, tắc nghẽn cảng và nhu cầu hàng hóa cao ở thời điểm trước Tết Nguyên Đán.
Yang Ming, công ty đạt tỷ suất lợi nhuận hoạt động cao nhất trong quý trước đã chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại, với doanh thu và lợi nhuận chỉ tăng 4% so với Q4. Hãng công bố lợi nhuận hoạt động đạt 72,6 tỷ TWD (2,4 tỷ USD) trên doanh thu 106,7 tỷ TWD.
Trong khi đó, Wan Hai ghi nhận lợi nhuận hoạt động 48,9 tỷ TWD (1,6 tỷ USD) trên doanh thu 80,5 tỷ TWD. Cũng như các hãng khác, các con số này đã đánh dấu một kỷ lục mới cho hãng, khi chủ trương mở rộng không ngừng tuyến vận chuyển ra ngoài khu vực nội Á.
Lược dịch: MKT
Chỉ số Thị trường
Tin nổi bật