Tin thị trường hàng hải
Tin vắn Tuần: 43 - 2023
Ngày đăng: 01/11/2023 | Lượt xem: 1140
Các hãng tàu container đã có kế hoạch tăng giá cước vận chuyển trong tuần qua, nhưng vẫn còn nghi ngại về việc duy trì được bao lâu trong bối cảnh thị trường hiện tại.
Chỉ số Shanghai Containerised Freight Index đã tăng hơn 10%, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Mức tăng này được hỗ trợ bởi giá cước tăng mạnh ở tuyến Á – Âu, cước tuyến này đã tăng 32%, tương đương khoảng 188 USD/TEU, và cước tuyến châu Á – Địa Trung Hải cũng tăng 10%. Trên tuyến vận chuyển xuyên Thái Bình Dương thì các tuyến đi bờ Tây, bờ Đông Mỹ cũng tăng lần lượt 10% và 7%. Chỉ số SCFI hiện đã tăng 3 tuần liên tiếp sau khi lao dốc kể từ cuối tháng 7.
Chính phủ Israel đã cam kết bồi thường cho chủ tàu đối với tất cả các tàu bị hư hại trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza. Động thái này nhằm khuyến khích các công ty vận tải tiếp tục duy trì vận chuyển hàng hóa tới quốc gia này. Cơ quan thuế của Israel cho biết trong một tuyên bố hôm thứ 5 vừa qua rằng các khoản thanh toán sẽ được thực hiện cho “thiệt hại chiến tranh” do bất kì hoạt động trong nước hoặc nước ngoài gây ra cho tàu trong vùng biển của Israel.
Trước sự kết thúc của liên minh 2M vào năm tới, MSC và Maersk đã “tách cặp” đội tàu của họ, triển khai các tàu của họ với từng tuyến dịch vụ riêng rẽ. Việc này làm dấy lên suy đoán rằng hai hãng sẽ đồng ý chấm dứt sớm liên minh chia sẻ tàu Đông- Tây của họ.
Liên minh THE Alliance công bố kế hoạch tạm dừng hai tuyến Đông-Tây quan trọng để ngăn chặn sự suy giảm. THE Alliance gồm các thành viên Hapag-Lloyd, Ocean Network Express, Yang Ming Marine Transport và HMM sẽ “tạm thời” dừng các tuyến EC4 và FE5 hoạt động từ châu Á đi bờ Đông Mỹ và Bắc Âu. THE Alliance cho biết thêm hai tuyến dịch vụ này sẽ bị dừng để “đánh giá lại thị trường hiện tại”.
Evergreen sẽ hợp tác với Copenhagen Infrastructure Partners về nhiên liệu mới cho đội tàu của mình. Công ty niêm yết tại Đài Bắc cho biết quá trình giảm khí thải carbon cho 200 tàu của họ là một “nhiệm vụ trọng yếu”, do đó cần phải có một bước lớn hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. CIP là nhà quản lý quỹ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mới thông qua Quỹ Chuyển đổi Năng lượng của họ - Energy Transition Fund. Các công ty hiện sẽ khám phá việc sản xuất nhiên liệu dựa trên hydro xanh. Dự án sẽ bao gồm nhiên liệu tổng hợp “e-fuels” như amoniac và methanol, và sản xuất nhiên liệu từ điện được sản xuất ra từ nguồn năng lượng gió ngoài khơi Đài Loan.
Chỉ số Thị trường
Tin nổi bật